Trang chủ > Điểm du lịch

Khám phá di tích lịch sử khảo cổ Hòn Ngò

03/10/2022 02:30:47 PM
Di tích lịch sử khảo cổ Hòn Ngò nằm tại thôn Hà Tràng Đông, xã Đông Hải, huyện Tiên Yên, có diện tích khoảng 7ha. Đây là một di tích quan trọng, có giá trị lịch sử - văn hoá ghi dấu quá trình mở đất dựng nghiệp của người Việt cổ trên vùng đất Đông Bắc Tổ quốc.

 

Hòn Ngò nằm trong một vịnh biển dạng bãi triều cửa sông tại vùng tiếp giáp của hai huyện Tiên Yên và Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh, nơi hai con sông Hà Thanh (thuộc huyện Tiên Yên) và Làng Ruộng (thuộc huyện Đầm Hà) đổ ra biển. Khu vịnh triều này có hình tam giác; diện tích khá lớn; trong vịnh có hơn một chục hòn đảo nhỏ dạng bát úp nằm rải rác. Toàn bộ lòng vịnh là rừng ngập mặn phủ dày sú vẹt, nền vịnh chỉ lộ khi triều xuống. Bao quanh bờ vịnh là núi xen lẫn đồi gò và các dải ruộng cao, càng sâu vào đất liền đồi núi càng dày và cao dần.

Hòn Ngò nắm giữa địa phận hai huyện Tiên Yên và Đầm Hà

Di tích Hòn Ngò cách trung tâm huyện Tiên Yên khoảng 19 km, có thể đi bằng ô tô hoặc xe máy đến thôn Hà Tràng Đông, từ đây đi ra biển bằng đường bộ khi nước biển xuống hoặc đi thuyền ra khu núi Hòn Ngò khoảng 4km là đến điểm di tích.

Di tích khảo cổ Hòn Ngò được phát hiện lần đầu vào năm 1998. Căn cứ vào kết quả điều tra điền dã bề mặt di tích và nghiên cứu hiện vật được phát hiện, các nhà khoa học đã đi đến nhận định sơ bộ: Cách đây khoảng 6.000 năm, thuộc giai đoạn Trung kỳ đồ đá mới, đã có một số cư dân cổ sống tại khu vực núi Hứa ở gần đó. Nhóm người này đồng đại với những cư dân cư trú tại hang Soi Nhụ, hang Nhà Trò (Vân Đồn) và hang Tiên Ông (Hạ Long). Sau đó, vào giai đoạn sớm của Hậu kỳ đồ đá mới, cư dân núi Hứa đã mở rộng không gian sinh sống sang vùng Hòn Ngò. Quá trình sinh sống của họ đã để lại các dấu tích khảo cổ như công cụ, đá nguyên liệu, gốm sứ v.v.. còn khá dày đặc trên bề mặt của di tích Hòn Ngò. Sau đó, do nước biển dâng cao nên cư dân Hòn Ngò phải dịch chuyển đến vị trí khác để sinh sống. Nước biển đã làm ngập toàn bộ khu cư trú của người Việt cổ, làm cho các di vật bị chìm dưới lớp bùn biển, tạo ra hiện trạng di tích như ngày nay.

Các chuyên gia khảo cổ đã tiến hành khảo sát Hòn Ngò cho rằng: Hòn ngò gần gũi với Thoi Giếng (Móng Cái - Quảng Ninh), với Cái Bèo (Cát Bà-Hải Phòng), nhất là tính nhiều giai đoạn trong tổng thể hiện vật. Đồng thời Hòn Ngò cũng có những nét riêng biệt khá giống với di chỉ Hải Tân, phân bố ở ven biển Phòng Thành (gần Nam Ninh của Trung Quốc). Ở cả hai di chỉ này đều tồn tại các loại hình đồ đá đẽo khá giống nhau, đặc biệt loại công cụ gần bầu dục ghè đẽo hai mặt có rìa nhọn ở cả hai đầu.

Năm 2014, Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh và Phòng Văn hóa thông tin huyện Tiên Yên tiến hành khai quật di chỉ Hòn Ngò. Đợt khai quật đã thu thập được 1084 hiện vật, trong đó có 132 hiện vật chất liệu đá và 952 hiện vật chất liệu gốm. Các loại hình đồ đá có sự phong phú về loại hình và chất liệu, gồm cả công cụ ghè đẽo và công cụ mài, ngoài ra còn có các loại hình hiện vật không qua chế  tác như: hòn ghè, chày nghiền, phác vật, mảnh tước. Toàn bộ di vật của di tích thu thập được qua các đợt điều tra, khảo sát và khai quật hiện đang được lưu giữ và bảo quản tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh.

Sau khi khai quật huyện Tiên Yên đã lập hồ sơ khoa học di tích đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh xếp hạng di tích khảo cổ Hòn Ngò là di tích lịch sử cấp tỉnh. Ngày 16/01/2017 UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số188/QĐ-UBND xếp hạng di tích khảo cổ Hòn Ngò là di tích cấp tỉnh. Với những giá trị lịch sử - văn hóa, chắc chắn rằng di tích lịch sử khảo cổ Hòn Ngò sẽ là một địa điểm du lịch trải nghiệm, khám phá lịch sử hấp dẫn khi du khách đến Tiên Yên.

 

 

Khi nước thủy triều rút nhiều khối đá nhô lên khỏi mặt nước với hình thù kỳ lạ.

Thu Hòa