Trang chủ > LỄ HỘI

Khôi phục các giá trị văn hóa của người Sán Dìu ở Tiên Yên

28/10/2019 02:41:30 PM
Người Sán Dìu ở Tiên Yên không đông như các dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ... mà chỉ có khoảng 2.000 hộ, sống chủ yếu ở các xã Hải Lạng, Đông Hải, Đông Ngũ. Tuy nhiên, người Sán Dìu lại có những giá trị văn hóa lâu đời, trong đó có các làn điệu soọng cô đang được huyện Tiên Yên tích cực bảo tồn...

Ngày 8/10 vừa qua, tại xã Hải Lạng, nơi có hơn 1.000 hộ là người dân tộc Sán Dìu của huyện Tiên Yên đã tổ chức lễ ra mắt CLB Hát soọng cô, là lối hát truyền thống của dân tộc. CLB có 30 thành viên, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng. Việc thành lập CLB nhằm tạo điều kiện để đồng bào dân tộc Sán Dìu nơi đây duy trì, bảo tồn, phát triển nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình

 

Hát soọng cô trong lễ hội Đức ông Hoàng Cần tại xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên năm 2018.

 

Ông Ngô Văn Quyền, Chủ nhiệm CLB, cho hay: Do cộng đồng người Sán Dìu so với các dân tộc thiểu số khác ở Tiên Yên ít hơn nhiều, nên lâu nay phong trào hát soọng cô bị trầm xuống, hiện ở địa phương chỉ người hơn 60 tuổi mới hát được. Trước đây, hát soọng cô của người Sán Dìu ở Tiên Yên được cất lên vô tư trong cộng đồng, thể hiện tâm tư, nguyện vọng của con người qua nhiều thể loại như: Hát ru, hát đồng dao, hát giao duyên, hát trong đám cưới, chúc thọ, mừng nhà mới, chúc tết...

Hát soọng cô không bị giới hạn thời gian, không gian, vui lúc nào người ta hát lúc đó, hát bên bờ suối, bờ ruộng cạn, khi địu con trên lưng lên nương... Khi đó, những đứa trẻ từ trong bụng mẹ và những năm tháng ấu thơ đã được nghe mẹ hát ru các bài soọng cô. Thanh niên nam, nữ của làng nọ, làng kia hát đối với nhau trong đêm trăng sáng, thể hiện tình cảm của mình qua lời hát. 

Trong lúc lao động, người ta cũng hát soọng cô để quên đi mệt nhọc và để tâm hồn thêm lãng mạn. Khi trai gái đến tìm hiểu nhau, chàng trai hoặc cô gái cất tiếng hát, bên kia đối lại, nếu thấy ăn ý nhau thì cứ vậy cuộc vui có khi kéo dài suốt đêm. Hoặc người ta hát khi tết đến, hát chúc tụng nhau để cùng nhau nâng chén rượu...

Từ năm 2018, huyện Tiên Yên đã chú trọng khôi phục lại các giá trị văn hóa truyền thống của người Sán Dìu, trong đó có hát soọng cô. Sau khi được thành lập, CLB Hát soọng cô hoạt động đều đặn 3 lần/tuần. CLB có 6 thành viên hát tốt, các thành viên còn lại đều biết hát ở mức độ khác nhau, họ truyền dạy cho nhau trong các buổi gặp mặt. Sau đó, CLB dự định mở các lớp truyền dạy trong lớp trẻ và sẽ mở rộng giao lưu sang các địa phương khác như xã Vạn Yên (huyện Vân Đồn) và huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn) là những nơi rất phát triển phong trào hát soọng cô.

 

Bên cạnh hát soọng cô, nhiều nét văn hóa khác của người Sán Dìu như trang phục, ẩm thực... cũng được huyện Tiên Yên chú trọng khôi phục.

 

Tháng 11/2018, lần đầu tiên huyện Tiên Yên tổ chức Lễ hội đền Đức ông Hoàng Cần và Ngày hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Sán Dìu. Trong đó, phần lễ tổ chức tại đền thờ Đức ông Hoàng Cần với lễ cáo yết, lễ cúng cơm mới, lễ phóng sinh (thả cá tại hồ Khe Cát), lễ tạ. Phần hội là các hoạt động văn hóa, thể thao như: Kéo co, đẩy gậy, đi cà kheo, bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt vịt, biểu diễn hát múa soọng cô, múa hành quang, sân khấu hóa trích đoạn cô dâu lên kiệu hoa đi lấy chồng của người dân tộc Sán Dìu. Bên cạnh đó, còn tổ chức thi ẩm thực truyền thống của người Sán Dìu như làm bánh bạc đầu, gói bánh chưng dài, thi đan bánh lá hẹ... Đây là lần đầu tiên một lễ hội của riêng người Sán Dìu được tổ chức ở Tiên Yên và ở đó các làn điệu hát soọng cô cũng được tôn vinh.

Được biết, hằng năm người Sán Dìu ở huyện Tiên Yên có rất nhiều tết khác nhau, như tết Hàn thực, tết Đoan Ngọ, tết Vu Lan, tết Đông Chí, nhưng Lễ hội Đại Phan là long trọng nhất, dài nhất và vui nhất. Những ngày lễ hội này, người Sán Dìu đều hát soọng cô rất vui vẻ.

Nguồn Công Thành (TTTT Tỉnh)