Trang chủ > LỄ HỘI

Thót tim xem đồng bào Sán Dìu chân trần leo dao trong lễ hội Đại Phan ở Quảng Ninh

06/12/2022 04:53:45 PM

Trên địa bàn huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) hiện đang có khoảng 2.000 đồng bào dân tộc Sán Dìu, cư trú tập trung tại 6 xã Hải Lạng, Đông Hải, Đông Ngũ, Tiên Lãng, Yên Than và thị trấn Tiên Yên. 

Lễ tục đẹp của đồng bào Sán Dìu 

Trên địa bàn huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) hiện đang có khoảng 2.000 đồng bào dân tộc Sán Dìu, cư trú tập trung tại 6 xã Hải Lạng, Đông Hải, Đông Ngũ, Tiên Lãng, Yên Than và thị trấn Tiên Yên. 

Trong một năm, người Sán Dìu có nhiều lễ tiết như: Lễ hội Đại Phan, lễ cầu an, lễ cầu mùa, Tết Mười Tư (14/7 âm lịch), lễ rửa cày bừa hoặc lễ lên đồng,... Trong đó, độc đáo và tập trung nhiều nét văn hóa của người Sán Dìu là lễ hội Đại Phan. 

các thầy cúng làm lễ lập phan cầu siêu

Đây là hoạt động tín ngưỡng văn hóa dân gian có quy mô lớn, quan trọng, tích hợp nhiều yếu tố văn hóa đặc trưng của đồng bào Sán Dìu, nhằm tạ ơn đất trời, tạ ơn thần linh đã cho mưa thuận gió hòa mùa màng tốt tươi, bản làng no ấm; và cầu khấn sự chở che trong những mùa vụ tiếp theo.

Đại Phan theo tiếng Việt, đại có nghĩa là lớn, phan có nghĩa là cơm, cho nên lễ Đại Phan còn gọi là lễ hội cơm lớn. Năm nay, lễ Đại Phan được huyện Tiên Yên tổ chức có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, tái hiện lại các nghi lễ truyền thống đặc sắc của người Sán Dìu như: Nghệ thuật thờ tự, ca múa hát, cúng bái.

Các hoạt động chính trong lễ hội Đại Phan gồm: Lễ lập phan, lễ cầu siêu, lễ leo dao, lễ hành quang, lễ lội than hồng…

các thầy cúng làm nghi lễ trước khi dựng cây làm nghi lễ leo dao

Chân trần leo dao

Trong các hoạt động của lễ hội Đại Phan, nghi lễ mang màu sắc tâm linh, huyền bí và quan trọng bậc nhất của người Sán Dìu là nghi lễ leo dao.

Trước khi thực hiện nghi thức này, các thầy cúng cao tay sẽ cúng các vị thần linh xuống chứng giám và làm lệnh để việc leo dao được diễn ra an toàn.

Theo đó, các thầy cúng chuẩn bị hai cây dao mô phỏng hình bông lúa, gọi là cây dương và cây âm. Tất cả các lưỡi dao được gắn vào thân cây đều quay lưỡi lên trên, chỉ có một lưỡi gắn trên cùng của cây âm là quay xuống đất.

Thân cây đều được gắn lưỡi dao trước khi dựng lên

Ông Trần Văn Tám, một thầy cúng thực hiện nghi lễ leo dao cho biết: "Trước khi thực hiện nghi thức leo dao, các thầy cúng phải giơ gan bàn chân để đóng triện đỏ. Sau đó, các thầy cúng mới bắt đầu đặt chân lên các lưỡi dao sắc để lên đỉnh cây mà không bị đổ máu.

Đặc biệt, những người thực hiện nghi lễ này đều phải là các thầy có kinh nghiệm, sức khỏe và sự khéo léo hoạt bát, không thì việc thực hiện leo chân trần với trên các lưỡi dao sẽ rất nguy hiểm."

Khi leo lên nấc thang cao nhất, thầy cúng sẽ vẩy thóc gạo ra xung quanh cho mọi người ở dưới đón lấy, tượng trưng cho sự ban ơn của trời cho dân làng được no ấm, mùa màng bội thu. Tiếp theo, họ đọc các bài cúng, tống đạt nguyện vọng, cầu thiên vương ban phúc lành.

Mỗi cây dao có 12 lưỡi tượng trưng cho 12 tầng trời, 12 khổ nạn mà con người phải trải qua. Tất cả các lưỡi dao buộc chặt vào thân cây theo dạng một chiếc thang. Theo truyền thuyết của người Sán Dìu, xưa kia Vua Cóc phải bò qua 12 nấc thang để cầu ông trời đổ mưa.

Khi bắt đầu thực hiện nghi lễ, một thầy cúng sẽ làm lễ leo lên các nấc thang tái hiện truyền thuyết Vua Cóc. Đặc biệt, các thầy cúng sẽ chỉ leo dao bằng chân trần, qua 12 nấc thang và chân thầy cúng không hề đổ máu.

Cùng với nghi lễ leo dao, nghi lễ lội than hồng (hay còn gọi là lễ rửa tội) cũng là một trong số những hoạt động tâm linh đặc sắc của lễ hội Đại Phan.

Theo quan niệm của người Sán Dìu, đây là nghi lễ tẩy trần, hướng con người tới cái thiện. Con người đang sống lội qua than hồng thì tâm hồn sẽ thanh thản, tà ma và những điều xui xẻo sẽ được rũ bỏ.

Nghi lễ đi trên than hồng thường tổ chức vào ban đêm, khi trời đất giao hòa chỉ một màu, đó cũng là lúc trời đất cùng chứng giám mọi tội lỗi của ta đã được giũ sạch khi đi qua than hồng.

Nghi lễ múa hành quang tại lễ hội Đại Phan của dân tộc Sán Dìu huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh

Sau khi đốt củi, các thầy cúng lấy tro than trải ra thành một quãng đường dài khoảng 6,5m. Những người trong làng sẽ lần lượt lội qua đường than ấy để thanh sạch tâm tư, trút bỏ phiền muộn như một cách rửa tội… Các thầy cúng với đôi chân trần bước qua than hồng rất điệu nghệ mà không bị bỏng chân. 

Người Sán Dìu tin rằng, khi thực hiện những hoạt động này, mong ước của họ sẽ được bề trên nghe hiểu và linh ứng phò trợ cho cuộc sống.

Ông Tô Văn Khải, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hải Lạng (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) cho biết: "Đối với người Sán Dìu, lễ hội Đại Phan là một hoạt động tín ngưỡng không thể thiếu trong nét đẹp văn hóa truyền thống. Lễ hội Đại Phan năm nay được chúng tôi tái hiện một cách chân thực, sinh động ngay từ các hoạt động lập phan, cầu siêu, leo dao, múa hành quang… cho đến lễ lội than nhằm mục đích cầu cho người dân được an vui, phát triển tốt lành. 

Ông Tô Văn Khải cho biết thêm, đây cũng là dịp để người dân và du khách thập phương tìm hiểu về văn hóa truyền thống của người Sán Dìu. Qua đó, tiếp tục chung tay bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Sán Dìu xã Hải Lạng nói riêng, huyện Tiên Yên nói chung."

Trần Hoàn