Bảo vệ di sản
28/02/2024 04:21:43 PM
Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long được coi như một báu vật của Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng. Xác định được giá trị vô cùng lớn của Vịnh Hạ Long, nên suốt nhiều năm qua, Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch, quy hoạch, tăng cường các biện pháp bảo vệ nhằm gìn giữ, phát huy hiệu quả Di sản - Kỳ quan có một không hai này.
Vịnh Hạ Long có diện tích khoảng 1.553km2, là nơi hội tụ của gần 2.000 hòn đảo lớn nhỏ tạo nên cảnh quan kỳ vĩ, đặc sắc với những Hòn Trống Mái (Gà Chọi), Đỉnh Hương, Con Cóc, hang Sửng Sốt, Thiên Cung, Đầu Gỗ, Bồ Nâu, Mê Cung, hang Luồn...
Sự kỳ vĩ, độc đáo về nước non, hang động, sự đặc sắc về cảnh quan, địa chất, địa mạo của Vịnh Hạ Long đã được UNESCO 3 lần công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Xác định rõ nhiệm vụ bảo vệ Vịnh Hạ Long là quan trọng, Quảng Ninh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để gìn giữ di sản.
Như mới đây, thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Quảng Ninh và Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 16/5/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hạ Long về tăng cường lãnh đạo, nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố, từ tháng 12/2023 đến nay, TP Hạ Long đã tập trung cao điểm cho việc xử lý các hộ nuôi trồng thuỷ sản trái phép trên Vịnh Hạ Long.
|
Du khách chèo thuyền kayak trên Vịnh Hạ Long. |
UBND TP Hạ Long đã ban hành 42 quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với các trường hợp nuôi trồng thuỷ sản trái phép. Trong đó, có 32 quyết định cưỡng chế tại khu vực phía Tây Nam đảo Tuần Châu và 10 trường hợp tại khu vực biển giáp ranh xã Hoàng Tân (TX Quảng Yên). Đồng thời, các lực lượng chức năng của thành phố cũng tăng cường công tác tuyên truyền để các hộ dân không tái phạm nuôi trồng thuỷ sản trái phép.
Sau thời gian quyết liệt triển khai lập lại trật tự nuôi biển, xử lý các hộ nuôi trồng thủy sản trái phép trên vịnh, đến thời điểm này, TP Hạ Long đã cơ bản xử lý xong đối với các hộ vi phạm, trả lại mặt biển xanh sạch.
Trước đó vào năm 2014, hơn 300 hộ dân ở 7 làng chài trên Vịnh Hạ Long đã được chuyển hết lên bờ sinh sống. Những hộ ngư dân này được tỉnh Quảng Ninh cấp căn hộ kiên cố tại khu tái định cư làng chài phường Hà Phong, TP Hạ Long. Dự án di dời ngư dân trên vịnh nhằm giải quyết khuyến nghị của UNESCO về việc dân số vùng lõi Vịnh Hạ Long phát triển quá nhanh làm ảnh hưởng đến di sản, cũng như bảo vệ môi trường sinh thái biển.
Không chỉ lập lại trật tự nuôi biển, di dời ngư dân làng chài lên bờ sinh sống, Quảng Ninh còn nghiêm cấm chuyển tải clinker, xi măng... trên vịnh; di chuyển các hoạt động bốc rót than gây ảnh hưởng môi trường biển; xoá phao xốp trong nuôi trồng thuỷ sản trên Vịnh Hạ Long...
Quảng Ninh xác định bảo vệ Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long là đang gìn giữ báu vật cho muôn đời sau, là bảo vệ quan điểm phát triển xanh mà tỉnh đã và đang kiên trì, quyết tâm thực hiện. Và hành trình bảo vệ, gìn giữ Vịnh Hạ Long không chỉ ngày một ngày hai mà là hành trình lâu dài, bền bỉ, cần sự chung tay, góp sức của các cấp chính quyền và người dân trên địa bàn, cũng như du khách khi đến tham quan Vịnh Hạ Long.
Thu Hòa theo nguồn baoquangninh.vn⇒ (Đọc bài gốc tại đây)
|