Trang chủ > Điểm du lịch

Di chỉ Hòn Ngò là nơi cư trú của lớp cư dân Việt cổ trên địa bàn huyện Tiên Yên nói riêng và Quảng Ninh nói chung.

10/09/2023 05:54:30 PM

 

Hòn Ngò còn có tên hòn Bờ Ngò là một đồi thấp trên bãi bồi trũng ven biển cửa sông Tiên Yên, trong đầm Vạn Hoa, thuộc địa phận thôn Hà Tràng, xã Đông Hải. Khi thủy triều xuống đó là đầm cá bãi tôm nông cạn, khi thủy triều dâng thì Hòn Ngò như một hòn đảo nổi. Hiện quả đồi nhỏ (Hòn Ngò) chỉ rộng gần 2ha, trên đồi trồng rừng keo, dưới bãi bồi trồng bần đước, nhưng vào thiên kỷ III trước Công nguyên là rừng đại ngàn.

Thời Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức (1829-1893) Hòn Ngò là đảo có nhiều cây lớn, nhiều cây quả, gỗ quý. Từ thời thuộc Pháp, trong cuộc khai thác thuộc địa, chính phủ Pháp cần nhiều gỗ để xây dựng công trình đô thị và khai thác hầm mỏ. Càng về sau công việc phá rừng càng mở rộng và triệt phá với cấp độ cao hơn, mà các rừng gần cửa sông, ven biển dễ vận chuyển như Hòn Ngò là đối tượng bị phá đầu tiên nên đến nửa cuối thế kỷ XX, đồi Ngò đã thành đồi cỏ dại.

Hòn Ngò là một di chỉ khảo cổ thời đại đồ đá mới phân bố trên toàn bộ khu vực bãi triều nằm giữa hai nhánh của sông Hà Thanh. Về mặt địa lý, Hòn Ngò là một trong những đồi nhỏ nằm quần tụ thành từng nhóm bên hai bờ sông Hà Thanh, cách di chỉ Soi Nhụ (Vân Đồn) khoảng 25km và cách di chỉ Thoi Giếng (Móng Cái) khoảng 45km theo đường chim bay.

Về diện tích, Hòn Ngò có tổng diện tích không lớn nhưng vẫn có giá trị đặc biệt trên bản đồ khảo cổ “Hạ Long thời tiền sử” được nhiều tác giả nghiên cứu và công bố. Trong cuộc khai quật lần thứ nhất, các nhà khảo cổ đã mở 8 hố khai quật với tổng diện tích 200 m2; ở khu vực phía Nam di chỉ, trong đó 2 hố ở khoảng lưng chừng chân đồi, 6 hố ở dưới khu vực bãi triều.

Qua các đợt sưu tầm và các đợt khai quật khảo cổ ở Hòn Ngò, các chuyên gia đã thu được gần 1.000 mẫu vật phế tích là đồ gốm, 237 phế tích công cụ đồ đá có niên đại văn hóa tiền Hạ Long và Văn hóa Hạ Long, gồm các mảnh tước, công cụ mũi nhọn, công cụ hình chữ “U”, nạo đá, đục đá, phác vật công cụ đá. Hiện Bảo tàng Quảng Ninh đang lưu giữ 27 tiêu bản rìu/bôn, sưu tầm và khai quật trên sườn đồi, bãi sú chân đồi Hòn Ngò như: rìu bôn, mai lưỡi, rìu bôn có nấc vai, rìu bôn dạng tứ giác rất điển hình cho văn hóa Hạ Long.

Du khách tham quan di chỉ Hòn Ngò

 

Trong các mảnh gốm thu được, hầu hết là từ mảnh vỡ đồ dùng sinh hoạt như: Vò, lọ, bát, chậu có niên đại trên dưới 5.000 năm. Ngoài di chỉ Hòn Ngò đã được phát hiện từ tháng 8 đến tháng 10/1998, từ năm 2014 trở đi, các nhà khảo cổ đã phát hiện thêm các di tích khảo cổ hòn Kê Tâm, hòn Kênh Lợn, hòn Cái Đá, mom Mậu Khánh, mom Hội Phố (xã Đông Hải) và các di tích tiền sử thôn Cống To, thôn Mũi Chùa (xã Tiên Lãng), ngành Nu Bà (xã Hải Lạng).

Các công cụ đá được phát hiện đều mang những đặc điểm về chất liệu và hình dáng giống với các đặc điểm khác trên vùng biển huyện Tiên Yên và Hòn Ngò nói riêng. Chúng phù hợp với phương thức kinh tế khai thác các loài nhuyễn thể biển, bên cạnh việc trồng trọt và làm các ngành nghề thủ công chế tác đá, đồ gốm của người Việt cổ thời xưa.

Bản báo cáo của các nhà khảo cổ cho biết, thông qua loại hình di vật, đặc điểm địa hình cũng như khoảng cách địa lý cho thấy yếu tố lấn át trong đời sống vật chất và tinh thần cư dân cổ ven biển huyện Tiên Yên. Họ là những người có yếu tố hướng biển mạnh mẽ, trong quá trình phát triển họ đã tiến hành giao lưu với khu vực xung quanh.

Với vị trí địa lý và giao thông, việc tham quan di chỉ Hòn Ngò, tìm hiểu về lịch sử của cha ông ta hàng ngàn năm trước rất thuận lợi. Trở ngại duy nhất là con nước; du khách hãy chọn khi nước triều xuống để tới thăm nơi này.

Một số hình ảnh tại Hòn Ngò.

 

CTV Trung Thịnh(Đông Hải)