Phố đi bộ Tiên Yên: Thành quả từ lòng dân đồng thuận
28/09/2023 06:00:42 PM
Những năm gần đây, nhiều nơi ở Quảng Ninh phát triển phố đi bộ nhằm tìm sân chơi thú vị cho nhân dân và tạo ra sản phẩm du lịch. Không ít nơi gắng gượng mãi mà chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí có nơi đầu tư hẳn ngân sách xứng đáng song vẫn không thành. Nhưng, phố đi bộ Tiên Yên từ khi ra mắt tới nay, hơn 6 năm, lại ngày càng phát triển mạnh mẽ và tạo ra nét đẹp văn hóa vùng cao riêng có.
Án ngữ nơi ngã ba vùng Đông Bắc, từng là thủ phủ của tỉnh Hải Ninh (sau này Hải Ninh sát nhập với khu Hồng Quảng, thành tỉnh Quảng Ninh), Tiên Yên có vị trí chiến lược về kinh tế - quốc phòng. Ở thời lệ thuộc cách đây gần 100 năm, người Pháp đã xây dựng tại đây một tiền đồn quân sự, một khu kinh tế lớn và hệ thống phục vụ quân sự và giải trí của chúng: rạp chiếu phim, tiệm nhảy, sân bay... Do đó, hiện nay, huyện Tiên Yên còn trên 200 di tích, phế tích, nhiều di tích đã xếp hạng, đặc biệt có phố cổ với những căn nhà cổ, ghi dấu vùng đất có bề dày trầm tích văn hóa mấy trăm năm.
|
Phố đi bộ Tiên Yên nhộn nhịp khi sáng đèn. Ảnh: Cấn Đình Loan |
Phát triển trên nền tảng văn hóa
Từ những trầm tích văn hóa, khi Tiên Yên manh nha sáng lập phố đi bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định rõ, giá trị văn hóa là nền tảng, phát triển kinh tế xã hội là mục tiêu. Và, Đề án thành lập phố đi bộ do đồng chí Trương Công Ngàn, khi ấy là Bí thư Huyện ủy, kiêm Chủ tịch UBND huyện trực tiếp chỉ đạo. Huyện thành lập Ban Tổ chức điều hành.
Theo đó, các văn nghệ sĩ, nòng cốt là Hội Văn học - Nghệ thuật được trưng cầu ý kiến. Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, Tiến sĩ Đào Huy Toàn cho biết, tháng 3/2017, khi ấy là Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã cùng với thị trấn Tiên Yên trực tiếp tuyên truyền chủ trương xây dựng phố đi bộ tại 2 khu phố: Hòa Bình và Lý Thường Kiệt. Và, slogan: “Hồn xưa, nét cũ, Tiên Yên phố” do nghệ sĩ Phạm Thành (khi ấy là Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh) đề xuất và được công nhận.
Ngày 2/8/2017, phố đi bộ Tiên Yên khai trương. Phố hoạt động định kỳ vào thứ 7 hàng tuần và các ngày lễ, nhanh chóng trở thành sân chơi cộng đồng, với nội dung chủ yếu là giao lưu văn hóa, văn nghệ và ẩm thực.
Phố đi bộ hình thành trên cơ sở hạ tầng đô thị hiện có, được quy hoạch thành 3 khu vực gồm: Phố văn hóa dân gian, Phố ẩm thực, Phố Chợ đêm. Phố đi bộ có trên 20 hạng mục, đáp ứng nhu cầu du khách như: 3 sân khấu ngoài trời; 9 căn nhà cổ; con đường ánh sáng; con đường hoa; cổng chào con rồng; quầy hàng trưng bày và bán y phục, vật dụng truyền thống của các dân tộc sơn khu vùng Đông Bắc; hệ thống đèn màu; cụm tranh bích họa - tiểu cảnh, biểu tượng giống gà đặc sản Tiên Yên, mà nay đã vinh danh gà Vua, gà Hoa hậu…Không gian kiến trúc hài hòa, tận dụng hạ tầng hiện có và tôn tạo cảnh quan thu hút người tham gia.
Nhớ lại năm 2017, khi mới tổ chức, tuyến phố đi bộ dài 880m ở hai khu phố sầm uất, đông dân cư là phố Hòa Bình và phố Lý Thường Kiệt. Trong đó, đoạn nằm trên phố Hòa Bình dài 400m, tổng số hộ dân hai mặt tiền là 89 hộ và đoạn nằm trên phố Lý Thường Kiệt dài 480m, số hộ dân hai mặt tiền là 92 hộ. Phố đi bộ phát triển qua hằng năm. Đến năm 2018, Phố đi bộ Tiên Yên được mở rộng thêm 230m chiều dài và có thêm 86 hộ dân thuộc khu phố Lý Thường Kiệt. Năm 2022, phố đi bộ mở rộng sang đường Quang Trung, thêm 400m, tổng chiều dài hiện nay là 1.510m.
|
Một tiết mục văn nghệ tại sân khấu chính mang đậm màu sắc văn hóa dân tộc vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh. |
Nở rộ văn hóa nghệ thuật, ẩm thực đường phố từ sức dân
Phố đi bộ Tiên Yên lấy quảng bá và thưởng thức giá trị văn hóa là nền tảng.
Ba sân khấu ngoài trời là ba địa điểm văn hóa tụ hội của du khách và người dân. Mỗi sân khấu có một hình thức hoạt động nghệ thuật riêng biệt. Sân khấu chính đặt tại khu vực bến xe Tiên Yên, khang trang, nơi biểu diễn của những nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh.
Cùng với sự tham gia trực tiếp các chương trình văn nghệ, người dân thông qua mối quan hệ của mình, kết nối, mời các đoàn nghệ thuật lớn của tỉnh và của Trung ương, các nghệ sĩ nổi tiếng về biểu diễn miễn phí tại sân khấu chính, như: Nhà hát Chèo Trung ương; Đoàn kịch, nghệ thuật Quảng Ninh; đoàn nghệ thuật thành phố Cẩm Phả, Hải Hà, Đầm Hà, Ba Chẽ...; nghệ sỹ nhân dân Tự Long; nghệ sĩ ưu tú từng giành giải nhất giải Sao Mai - Hoàng Tùng; các nghệ sĩ Saxophone Quyền Văn Minh, Phan Anh Dũng; ca sĩ Thiên Bảo - giải nhì solo cùng Bolero toàn quốc 2017; các ca sỹ Bolero lọt vào vòng chung kết khu vực phía bắc; ca sĩ Thế Hậu, Thúy Nga...
Tất cả đã tạo ra các show diễn chất lượng cao, thu hút khán giả các huyện lân cận và giới hâm mộ âm nhạc vùng Đông Bắc đến thưởng thức nghệ thuật.
|
Sắc màu trên phố đi bộ. Ảnh: Trần Tâm |
Sân khấu tại khu vực Ngân hàng Nông nghiệp là sàn diễn nghệ thuật ngoài trời của tuổi trẻ, với các chương trình trẻ trung, sôi động của lứa tuổi thanh thiếu niên một cách đa dạng. Đó là hội thi hát bolero tuổi trẻ; hay một số ban nhạc trẻ-câu lạc bộ nghệ thuật trẻ ở các huyện thị bạn có mối quan hệ giao lưu văn hóa với Đoàn Thanh niên Tiên Yên, cứ y hẹn lại lên biểu diễn; tọa đàm trao đổi, kết bạn thân thiện và lý thú.
Sân khấu tại khu vực Trường Tiểu học có sắc thái riêng biệt, với các hoạt động nghệ thuật mang tính "đường phố", nòng cốt là các CLB khiêu vũ, hát, biểu diễn nhạc cụ... Người dân chủ động tham gia các hoạt động, nhất là khiêu vũ tự do tại sân khấu.
|
Biểu diễn nhạc cụ trên phố do chính người dân tham gia. Ảnh: Trần Tâm |
Phố đi bộ Tiên Yên còn có các góc hoạt động mang sắc thái riêng và phong phú như: Thư viện sách di động, góc vẽ và trưng bày tranh, chơi các trò chơi xếp hình... Góc trò chơi dân gian với các hoạt động như: đi cà kheo, trò chơi ô ăn quan, nhảy sạp, nhảy dây, bịt mắt bắt vịt, bắt lợn, đập niêu…
Cùng với đó, các gian hàng ẩm thực đặc sắc của Tiên Yên cũng nở rộ, do chính người dân chế biến và kinh doanh như: bánh đúc, bánh hạnh nhân, bánh chả, bánh cốc mò, các loại chè, phở gà, phở hải sản.... đem đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo, khác biệt, đậm đà khó quên.
|
Một góc trò chơi dân gian trên phố tạo điểm nhấn cho phố đi bộ Tiên Yên. Ảnh: Trần Tâm |
Nơi gặp gỡ của “Ý Đảng - Lòng Dân”
Phố đi bộ Tiên Yên khi mới ra đời, những ngày đầu cũng gặp bao trắc trở. Người dân lo ngại về sự ồn ào, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, tính khả thi của mô hình.
Khi ấy, Huyện ủy cùng với chỉ đạo cấp ủy từ khu phố, thị trấn bám sát địa bàn tuyên tuyền, giải thích về chủ trương và lợi ích, đồng thời, cử cán bộ và mời đại diện Nhân dân hai khu phố Hòa Bình, Lý Thường Kiệt tham quan phố đi bộ Hồ Gươm, Hà Nội. Và, lúc khai trương, khắp các con phố Tiên Yên đồng bào về dự đông nườm nượp, các sân khấu văn nghệ nở rộ những tiết mục đặc sắc cây nhà lá vườn, một người đi biểu diễn có tới 2 đến 4 thành viên về cổ vũ, phố sá sôi động và đầy ắp tiếng cười mỗi tối thứ 7 hàng tuần.
Với sức hấp dẫn ấy, hằng năm, phố đi bộ Tiên Yên đã đón 90.000-100.000 lượt khách. Riêng 8 tháng đầu năm 2023, phố đi bộ đã đón 116 nghìn lượt khách, trong đó 47% số khách ngoài huyện, 5% là khách nước ngoài...
|
Các cửa hàng trên phố đi bộ kinh doanh tấp nập. Ảnh: Trần Tâm |
Nhờ có phố đi bộ, những ngôi nhà mặt phố kinh doanh buôn bán sầm uất. Trên toàn tuyến đi bộ có 372 hộ mặt tiền thì trên 160 hộ mở cửa hàng-cửa hiệu kinh doanh; trong đó, 115 hộ kinh doanh cố định tại nhà (chủ yếu là bán hàng hóa tổng hợp, quần áo và kinh doanh một số mặt hàng dân dụng giày dép, các sản phẩm OCOP) và 45 hộ là kinh doanh ẩm thực đường phố.
Phố đi bộ ra đời góp phần trực tiếp nâng cao đời sống người dân đô thị. Nhiều hộ xóa được nghèo ngay chính trong căn nhà ở của mình. Hộ ông Hoàng Văn Đoàn, phố Lý Thường Kiệt, trước đây là lao động tự do, phải chạy khắp nơi tìm việc, nay mở hàng bán bánh mỳ-nước giải khát có thu nhập ổn định. Có hộ lại bỏ được nghề cơ khí nặng nhọc, chuyển sang làm dịch vụ vui chơi giải trí vừa có thu nhập lại vừa giải quyết được thêm lao động nhàn rỗi trong gia đình...
Hơi ấm xóa nghèo, không khí vui tươi lành mạnh ở phố đi bộ còn lan tỏa đến các thôn bản hẻo lánh. Nét đẹp văn hóa mới còn xua đi những tàn dư văn hóa cổ hủ, lạc hậu vốn tiềm ẩn trong một bộ phận đồng bào thiểu số miền núi. Ông Tô Văn Hùng, một cựu chiến binh, cảm động bộc bạch: Phố đi bộ, con đường trong lòng phố, con đường “lòng Dân - ý Đảng”.
|
Phố đi bộ Tiên Yên thực sự là kết quả sinh động về sự hội tụ giữa chủ trương của Đảng và sự tham gia của Nhân dân. |
Giải thích cho sự thành công của phố đi bộ, ông Nguyễn Văn Nhanh, Chủ tịch UBND thị trấn Tiên Yên, cho biết: Trong quá trình triển khai, các chủ trương của cấp ủy về xây dựng phố đi bộ đều được “tường thuật” trực tiếp trên mạng xã hội; qua đó tiếp thu ý kiến phản hồi, góp ý của đông đảo nhân dân. Nhờ đó, ngay từ những ngày đầu xây dựng, phố đi bộ Tiên Yên đã nhận được sự yêu thích, đồng hành, ủng hộ của nhân dân. Sự ủng hộ đó còn lan tỏa sang cả các lĩnh vực ủng vật chất, hiện vật; tự nguyện tham gia các chương trình văn nghệ trên phố; đăng tải chia sẻ, quảng bá phố đi bộ Tiên Yên đến với các nơi. Sự hòa quyện giữa "ý Đảng - lòng Dân" chính là nhân tố tạo nên sự thành công.
Hơn nửa thập kỷ hoạt động, phố đi bộ Tiên Yên thực sự là kết quả sinh động về sự hội tụ giữa chủ trương của Đảng và sự tham gia của Nhân dân. Người dân tham gia, hưởng ứng, đồng hành ngay từ việc xây dựng chủ trương của cấp ủy đến tổ chức thực hiện, duy trì và phát triển. Và, cấp ủy luôn luôn khuyến khích sự tham gia của người dân bằng các kênh thuận tiện nhất, tiếp thu những ý kiến hay, bổ sung hoàn thiện; đồng thời thông tin rõ ràng, cụ thể để Nhân dân tường minh, hưởng ứng và đồng thuận. Qua đó, tiếp tục sửa đổi phù hợp về quy hoạch và thiết kế tổng thể, mang đậm nét văn hóa vùng Đông Bắc cho phố đi bộ; về cơ chế lưu giữ và bảo tồn nhà cổ, phố cổ Tiên Yên... phù hợp với ý nguyện của Nhân dân.
Phố đi bộ Tiên Yên đã và đang là điểm sáng du lịch, phát triển văn hóa và kinh tế vùng Đông Bắc, đặt trên nền tảng vững chắc ý Dân và sức Dân!
Nguồn: Đào Xuân Thắng(Ban Tuyên giáo Tiên Yên)⇒(Đọc bài gốc tại đây)
|