Trang chủ > Tin tức du lịch

Tạo sức hút cho du lịch

25/02/2024 10:19:41 PM
Được coi là "Việt Nam thu nhỏ", tỉnh Quảng Ninh cũng là địa phương có các lễ hội đầu xuân đặc sắc, hấp dẫn du khách thập phương, trong đó có nhiều lễ hội đã phát huy nét độc đáo, mang bản sắc riêng có, tạo sức hút cho du lịch.

 

Đầu tiên phải nhắc tới lễ hội Yên Tử vừa chính thức khai hội sáng 19/2 (tức ngày 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn) ở Cung Trúc Lâm Yên Tử. Và từ đây, cả vạn du khách, Phật tử nô nức đổ về Yên Tử trảy hội, chinh phục chùa Đồng. Đây đã trở thành nét đặc trưng không thể lẫn khi du xuân lễ hội Yên Tử kéo dài 3 tháng mùa xuân.

Lễ rước người ở Lễ hội Tiên công (TX Quảng Yên) cùng nhiều nét đặc sắc ở các lễ hội xuân hấp dẫn du khách thập phương.

 

Xuôi về vùng sông nước Quảng Yên, dịp đầu tháng 2 Âm lịch, chắc hẳn người dân và du khách thập phương còn háo hức tới dự lễ hội Tiên Công, ghi nhận 17 vị tiên công người mở đất. Nét đặc sắc nhất kích thích sự tò mò, tìm hiểu của du khách là lễ rước người sống duy nhất ở Việt Nam, trong khung cảnh nhộn nhịp đông đủ con cháu, các mâm lễ vật nhiều màu sắc, phường nhạc bát âm vang lừng.

Không chỉ thế, điểm chung của nhiều lễ hội xuân ở khắp các vùng miền Quảng Ninh có sức hút lớn đều toát lên giá trị văn hóa đặc trưng. Lễ hội Đình Lục Nà và các lễ hội ở vùng cao Bình Liêu vào đầu tháng 2-3 âm lịch cũng đặc trưng với lễ rước, tế thần linh thiêng với các trò chơi như sáy mả, đi cà kheo và cả các trận đấu bóng đá nữ độc đáo. Hay đó là nét riêng ở hội đình làng Dạ, căn cứ kháng chiến từ thời chống Pháp; Lễ hội Miếu Ông - Miếu Bà đặc trưng với lễ hội rước nước trên sông Ba Chẽ.

Thực tế, không ít các lễ hội xuân ở Quảng Ninh đã thu hút du khách bởi chất riêng, sự độc đáo. Có lẽ vì thế, mà chỉ trong vòng 5 ngày đầu xuân 2024, Quảng Ninh đã thu hút hàng vạn du khách. Tiêu biểu, khu di tích danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí) đạt trên 62.000 lượt khách, đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) trên 76.000 lượt; Khu di tích lịch sử nhà Trần (TX Đông Triều) gần 57.500 lượt... 

Nhìn rộng ra, đây không chỉ là cách làm đặc sắc, xu hướng mà ngành du lịch, các địa phương đang làm để định vị thương hiệu du lịch lễ hội xuân. Ở các lễ hội 3 miền đất nước, có thể thấy rõ điều này. Đơn cử như chèo thuyền trảy hộ chùa Hương trên suối yến rực hoa gạo, hoa súng; lễ khai ấn ở Đền Trần (Nam Định); hội Lim Quan họ (Bắc Ninh); tín ngưỡng thờ cá ông trong lễ hội Cầu ngư (Đà Nẵng) hay lễ hội Bà Đen (Tây Ninh) ở miền Nam…

Theo lý giải của các chuyên gia thì ngoài được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, lễ hội được phục dựng và phát huy giá trị, trở thành bản sắc là yếu tố thu hút du khách. "Để lễ hội bền bỉ với thời gian, có sức hút với du khách, các địa phương đều quan tâm, lựa chọn phục dựng kỹ lễ hội cụ thể, đặc biệt là các nét đặc sắc của từng lễ hội" - ông Mạc Ngọc Điệp, Trưởng phòng Văn hoá - Thể thao huyện Bình Liêu chia sẻ.

Lễ hội đền Cửa Ông cùng nhiều lễ hội xuân khác đổi mới, tạo bản sắc riêng để "định vị" điểm đến với du khách.

 

Với cách làm này, hiện nhiều lễ hội xuân ở Quảng Ninh ngày càng được quan tâm bảo tồn, gìn giữ và phát huy những nét riêng. Đơn cử, xuân Giáp Thìn 2024 này, lễ hội đền Cửa Ông tạo nét riêng với lễ rước trên biển, cờ người, hát quan họ trên hồ Baza cùng khai hội đền Cặp Tiên trong quần thể di tích; lễ hội làng Bằng Cả giữ nét đẹp phong tục truyền thống, sắc màu trang phục cổ truyền người Dao Thanh Y hoặc đó là việc khôi phục và tổ chức lại Chợ phiên vùng cao Hà Lâu (Tiên Yên), tái hiện lễ cấp sắc, lễ rước dâu của người Dao…

Hiện Quảng Ninh hiện có hơn 600 di sản văn hóa vật thể; khoảng 120 lễ hội, trong đó có hơn 80 lễ hội diễn ra vào mùa xuân. Đây là nguồn tài nguyên vô cùng lớn, tuy nhiên cũng đặt ra bài toán lớn với các nhà quản lý làm sao để nghiên cứu, phục dựng và phát huy các nét riêng có, thành bản sắc, phục vụ phát triển du lịch. Bởi trên thực tế, hiện nhiều lễ hội còn chưa được quan tâm, có nhiều sự tương đồng, giống nhau, thiếu bản sắc.

Thu Hòa theo baoquangninh.vn⇒(Đọc bài gốc tại đây)