Trang chủ > Giải trí

Nhà điêu khắc Đinh Thanh và những tác phẩm từ gốm

05/07/2022 07:10:49 PM
Nhà điêu khắc Đinh Thanh chuyên tâm ở nghiệp gốm sứ là người đào tạo nhiều thợ lành nghề cho gốm sứ Quảng Ninh. Tác phẩm của ông không nhiều nhưng tác phẩm nào cũng thể hiện sự thành công. Tượng của Đinh Thanh thiên về chiều sâu tư duy và đặc biệt chú tâm ở đề tài về hình tượng người phụ nữ.
Nhà điêu khắc Đinh Thanh tham gia dự án tạc tượng Bác Hồ bằng đất sét nung.

 

Nhà điêu khắc Đinh Thanh sinh năm 1942, quê ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ngay từ thuở nhỏ ông đã được gửi sang Trung Quốc ăn học. Rời trường “Dục Tài” Quế Lâm về nước năm 1957, ông ra Hà Nội học vẽ. Ông may mắn được hai anh em họa sĩ Trịnh Phòng và Trịnh Thiệp trực tiếp hướng dẫn.

Họa sĩ Đinh Thanh được cả hai thầy Trịnh Phòng và Trịnh Thiệp dạy vẽ rất tận tình, cho nên chỉ ít tháng sau Đinh Thanh đã thi đậu vào Khoa Điêu khắc đá, Trường Trung cấp Mỹ nghệ do họa sĩ Nguyễn Khang làm Hiệu trưởng. Học điêu khắc nhưng khi tốt nghiệp, họa sĩ Đinh Thanh lại được phân công về Quảng Ninh, công tác tại Nhà máy sứ Móng Cái. Ít năm sau, ông được đi tu nghiệp chuyên ngành chế tác gốm sứ tại Trung Quốc.

Năm 1982, ông theo Nhà máy sứ Móng Cái chuyển về Quảng Yên, thành lập Nhà máy Sứ Quảng Yên. Ông làm đến Giám đốc nhà máy cho đến khi nghỉ hưu năm 1990. Ông lập gia đình và định cư ở Quảng Yên.

Từ khi về hưu, nhà điêu khắc Đinh Thanh dành nhiều thời gian hơn để sáng tác, để đắm mình với niềm đam mê nghệ thuật. Nhiều tác phẩm điêu khắc đã lần lượt ra đời, được công chúng yêu nghệ thuật đón nhận và đánh giá cao. Trong không gian khu vườn của ông, có 30 tác phẩm điêu khắc phong phú về cả nội dung và chất liệu. Nhiều bạn hữu đánh giá, nhà điêu khắc Đinh Thanh là người hiền lành, sống sâu sắc, ngay thẳng và từ tốn. 

Tuy học ngành điêu khắc nhưng gần như cả đời gắn bó với gốm nên ông khiêm nhường không nhận mình là “nhà điêu khắc” mà chỉ nhận mình là “người tạc tượng” thôi. Những trải nghiệm trong đời, cùng với bao va đập của cuộc sống, giúp Đinh Thanh tích lũy được nhiều câu chuyện, nhiều mảnh đời đủ làm chất liệu để ông sáng tác.

Nhà điêu khắc Đinh Thanh thể hiện một tác phẩm bằng đất sét nung.

 

Trong 30 tác phẩm trưng bày trong không gian nghệ thuật này, mỗi tác phẩm của Đinh Thanh đều có một câu chuyện, một triết lý riêng, rất nhân văn.

Họa sĩ Nghiêm Vinh, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Ninh, nhận định: Tượng gốm của họa sĩ Đinh Thanh cách điệu, sâu sắc nhưng vẫn rất nhẹ nhàng, gần gũi chứ không xa rời cuộc sống. Các tác phẩm đó chuyển tải những thông điệp, những triết lý nhẹ nhàng về cuộc sống nhân sinh. Tượng đi sâu khai thác đề tài người mẹ, người vợ, những người phụ nữ xung quanh mình.

Một số tác phẩm tiêu biểu của ông là "Vua bà", "Đợi", "Duyên thầm", "Bà cõng cháu", "Sầu riêng", "Nghĩa mẹ", "Hạnh phúc" v.v.. Tác phẩm “Vua Bà” đặc tả một cụ bà mặc áo tứ thân, đầu đội nón quai thao, ngồi tĩnh lặng bên bờ sông Bạch Đằng, gợi nhớ lại truyền thuyết vào đầu năm Mậu Tý năm 1288, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã đến bến đò này nghiên cứu địa hình, chuẩn bị thế trận tiêu diệt đạo thủy binh của quân xâm lược Nguyên - Mông. Tại đây, Hưng Đạo Vương đã được một bà lão bán hàng nước mách tỉ mỉ, chính xác lịch con nước và địa thế dòng sông, giúp Hưng Đạo Vương bố trí trận địa cọc và chọn thời điểm quyết chiến.

Trận Bạch Đằng đại thắng, Hưng Đạo Vương trở lại bến đò tìm bà lão để tạ ơn nhưng không thấy, chỉ có một gò mối đùn lên cao hơn một trượng nơi bà lão thường ngồi. Cảm kích trước tấm lòng yêu nước của ân nhân, Hưng Đạo Vương đã tâu với vua Trần phong bà làm “Vua Bà” và cho lập miếu thờ tại nơi có quán bán hàng nước, bên gốc cây quếch già hơn 700 năm tuổi... Tác phẩm là biểu tượng của tình đoàn kết quân dân gắn bó trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông. Vua Bà là một minh chứng cho tư tưởng quân sự của Trần Hưng Đạo về việc lấy dân làm gốc và thế trận quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Tác phẩm “Vua Bà” được nhận hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Bạch Đằng, TX Quảng Yên.

Tác phẩm “Đợi” - Một bi kịch sau chiến tranh, chứa đựng “Nỗi buồn chiến tranh” với những “xóm không chồng”, “ngõ không chồng”, “bến không chồng”... như cách diễn đạt của nhà văn Dương Hướng. Cảm xúc trước những thân phận của bao cô gái “xóm không chồng” đã gợi trong ông hình tượng người đàn bà ôm gối ngồi im lặng “Đợi” như hòn vọng phu của thế kỷ XX.

Muốn thể hiện được những đề tài này, trước hết tư duy của tác giả phải được tự do, thoát ra khỏi suy nghĩ bảo thủ, cố hữu. Phần đầu nhân vật không đội mũ, chít khăn như hình ảnh thường thấy của những cô thanh niên xung phong, mà để tóc trần bay tự do theo gió. Tác giả tạc tượng không có mắt để khỏi phải nhìn thấy sự lườm nguýt của họ hàng, làng xóm; không có tai để khỏi nghe thị phi, để có đủ nghị lực và niềm tin giữ cái thai sinh con và nuôi con.

Tác phẩm “Duyên thầm” là một bức tượng miêu tả người phụ nữ đã qua tuổi xuân sắc, nhưng thi thoảng vẫn kín đáo soi gương để hồi tưởng lại một thời con gái trẻ trung, với bao mộng mơ ước hẹn, cũng là một hoài cảm, một sẻ chia của tác giả với người bạn trăm năm của mình. Điểm nhấn thú vị của tác phẩm là ông cố ý cho nhân vật giấu chiếc gương tròn sau lưng, rất kín đáo, duyên dáng và dễ thương. 

Tượng gốm "Vua Bà" của nhà điêu khắc Đinh Thanh.

 

Tác phẩm “Bà cõng cháu”, một trong năm tác phẩm đẹp mà ông sáng tác trong những ngày Quảng Ninh thực hiện giãn cách xã hội bởi dịch bệnh Covid-19. Tinh thần của tác phẩm là hồi tưởng lại thời ấu thơ ắp đầy kỷ niệm được bà cõng đi chơi quanh làng. Thoạt nhìn, ta thấy miệng bà bỏm bẻm nhai trầu, vừa đi vừa kể chuyện sự tích ngày xửa ngày xưa. Nắng hong nhẹ trên tán lá bàng xanh che mát tuổi thơ, hạt nắng ngẩn ngơ rơi trên đôi vai bà, rồi trôi theo miếng vá rớt vào tâm hồn tác giả hóa thành pho tượng hôm nay.

Tác phẩm “Sầu riêng” (Người phụ nữ ôm đàn tỳ bà) không kể lai lịch chiếc đàn “Tỳ Bà” cổ xưa vốn từ Ba Tư dưới dạng đàn Barbat theo con đường tơ lụa đến Trung Hoa rồi du nhập vào Việt Nam, đã từng được mệnh danh là “Nữ hoàng của các nhạc cụ dân gian”. Nhưng giờ đây nó đã trở thành nỗi u hoài, xót xa cho bao người đã từng nâng niu nó... Đó cũng chính là tâm tư của tác giả gửi vào pho tượng người con gái mảnh mai cánh hạc ngồi ôm cây đàn tỳ bà, mặt cúi xuống, nặng trĩu ưu tư, các ngón tay buông lơi.

Tác giả Đinh Thanh là người hướng nội, rất quý trọng vốn cổ dân tộc. Ông lo lắng thấy rằng giới trẻ ngày nay đang có xu hướng chạy theo các thể loại âm nhạc hiện đại du nhập từ nước ngoài. Trong khi, người nước ngoài muốn đến Việt Nam để tìm hiểu, chứng kiến các nghệ nhân chơi nhạc cụ dân tộc, thì người Việt Nam lại phũ phàng quay lưng với nó.

Đáng chú ý nữa còn có tác phẩm "Hạnh phúc", bức phù điêu “gò đồng”, miêu tả hai mẹ con đang “tắm tiên”. Từng đường nét trên gương mặt người mẹ và đứa bé rất hoan hỉ, trong lành, ngập tràn hạnh phúc. Ánh mắt hiền hòa của người mẹ ẩn sâu tình cảm yêu thương con vô bờ bến, sẵn sàng làm bất cứ điều gì để bảo vệ con mình. Mái tóc dài của người mẹ như dòng nước tuôn trào quyện vào cơ thể hai mẹ con đang tắm mát giữa dòng sông quê hương. Năm 2010, tác phẩm "Nghĩa mẹ" đã đạt giải B, năm 2020, tác phẩm "Bà cháu" đoạt giải A, Giải thưởng Văn nghệ Bạch Đằng giang của TX Quảng Yên.

Nhà điêu khắc Đinh Thanh là nghệ sĩ có khả năng cảm thấu nghệ thuật điêu khắc, đam mê và tâm huyết với một ngành nghệ thuật được sáng tạo theo nguyên tắc về thể tích, hình khối, vật chất trong không gian ba chiều và chịu sự chi phối nghiệt ngã của những quy luật tạo hình. Nghệ thuật điêu khắc mang lại nhiều giá trị về cả vật chất và tinh thần, nhưng điêu khắc là bộ môn lao động nghệ thuật nhọc nhằn, lao tâm khổ tứ nên cũng rất kén người đam mê nó. Ông đã có nhiều tác phẩm tham gia triển lãm mỹ thuật của tỉnh, của khu vực đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước. Ông đã được tặng Bằng khen của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam vào năm 1999. 

Phạm Học(TTTT Tỉnh)(Đọc bài gốc tại đây)