Trang chủ > Ẩm thực

Lẩu cua giấy

19/06/2022 11:28:21 PM
Trời mưa tầm tã, đang lúc buồn rầu vì lịch công tác bị huỷ do thời tiết xấu thì anh bạn quen có nhã ý mời tôi đi thử món mới, mà anh còn nói chắc như đinh đóng cột là ở Quảng Ninh chưa đâu có...

 

Anh bạn tôi hỏi, đã bao giờ ăn món lẩu cua giấy chưa? Cua giấy à, có phải nó giống như ghẹ giấy - loại vỏ mỏng nhưng thịt chắc, ăn rất ngọt không? Anh bạn tôi cười lớn bảo nhầm to rồi...

Vậy đó là món gì mà nghe tên gọi thôi cũng đã khiến người ta tò mò thế nhỉ. Vậy là dù trời mưa nhưng chỉ 10 phút sau tôi đã có mặt ở Nhà hàng Biển Bắc (TP Hạ Long). Tôi được anh bạn dẫn đến gặp anh Thương bếp trưởng của nhà hàng, cũng là người sẽ chế biến món lẩu cua giấy cho tôi “thẩm” ngày hôm nay.

Anh Thương cho biết, khác với các món lẩu khác, lẩu cua giấy sử dụng nồi giấy tiếp xúc trực tiếp với lửa để đun sôi nước lẩu. Lẩu nồi giấy là một phong cách ẩm thực của người Nhật. Loại giấy được dùng trong món lẩu này là giấy dùng trong nghệ thuật xếp giấy Origami, khá dày, có khả năng chống thấm và chịu nhiệt cao, an toàn khi sử dụng để chế biến món ăn.

Giấy được chế tạo đặc biệt, phần giấy tiếp xúc trực tiếp với ngọn lửa sẽ có một lớp phủ dày hơn để giữ nhiệt độ luôn thấp hơn 160°C, giúp giấy chịu nhiệt khi bị đốt và nấu thức ăn cùng lúc. Việc sử dụng giấy cũng giúp cho nước lẩu trở nên thanh, ngọt hơn hẳn do chúng đã hút đi những vị đắng, gắt và vị kiềm trong nước lẩu...

Chiếc nồi giấy đặc biệt có khả năng chống thấm và chịu nhiệt cao.

 

Anh Thương bảo, vì thấy cách ăn lẩu của người Nhật khá độc đáo nên anh đã tìm hiểu và đưa phong cách nồi giấy này về để kết hợp với hải sản Quảng Ninh, cho ra món lẩu cua giấy. Còn nguyên liệu được dùng để chế biến món ăn thì vẫn là những nguyên liệu thuần Việt, như: Cua biển Quảng Ninh, xương ống và các loại củ quả (cà rốt, củ cải trắng, hành tây, cà chua, sả, ớt), các gia vị thông dụng và không thể thiếu xốt lẩu chua cay chuyên dùng trong các món lẩu hải sản.

Nguyên liệu dùng để nấu món lẩu cua giấy là những nguyên liệu thuần Việt.

 

Nguyên liệu chính không thể thiếu đó là cua biển Quảng Ninh.

Về chế biến, đầu tiên chúng ta sẽ cho xương ống cùng các loại củ quả vào nồi ninh trong 4-8h. Sau khi nấu đủ thời gian, chúng ta sẽ cho chút gia vị và xốt lẩu vào nồi nêm nếm cho vừa miệng rồi vớt toàn bộ phần cái, chỉ để lại phần nước dùng.

Cua sau khi được làm sạch, sẽ được cắt làm đôi bỏ vào nồi nước dùng nấu chín. Cuối cùng là trình bày món ăn lên chiếc nồi lẩu đặc biệt. Thay vì dùng bếp ga, hay bếp từ như khi người Việt ăn lẩu, thì với món lẩu cua giấy sẽ sử dụng một chiếc đế chuyên dụng, bỏ cồn khô vào nhóm lửa rồi đặt nồi lẩu giấy lên trên.

Món lẩu cua giấy nhìn thanh tao, đẹp mắt, trên nền giấy trắng, các loại đồ ăn nổi bật với nhiều gam màu rực rỡ. Món lẩu cua giấy khi thưởng thức cũng sẽ có những món ăn kèm như rau mùng tơi, nấm kim châm, bí bầu bào sợi, đậu phụ trắng…Bạn sẽ cảm thấy thật thú vị khi ngọn lửa làm chín thức ăn mà tờ giấy mỏng manh đựng nước lẩu vẫn hoàn toàn nguyên vẹn. 

Món lẩu cua giấy là sự kết hợp tuyệt vời giữa hải sản Quảng Ninh và phong cách ẩm thực Nhật Bản.

 

Anh Thương cũng cho biết, nồi lẩu giấy có nhiều kích cỡ khác nhau phù hợp với từng nhóm thực khách. Nồi size nhỏ dùng cho 2 người ăn thì sử dụng khoảng 800gr - 1kg cua. Khi thưởng thức, tôi cảm nhận vị nước lẩu ngọt đậm đà mà không bị gắt, thịt cua biển tươi, mẩy, ngọt thịt.

Có thể nói, đây là một sự kết hợp tuyệt vời giữa hải sản Quảng Ninh tươi ngon với phong cách thưởng thức ẩm thực Nhật Bản, tạo thêm sự lựa chọn cho hành trình trải nghiệm ẩm thực của du khách tại thành phố biển Hạ Long.

Phương Dung(TTTT Tỉnh)(Đọc bài gốc tại đây)